Kết hôn xong, ở chung hay ở riêng – trước giờ vẫn là một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại hoá phức tạp vì rất nhiều lí do. Liệu ở riêng có phải là lựa chọn tối ưu, và sống chung với mẹ chồng có phải là địa ngục? Cùng Ymeet.me khám phá qua bài viết dưới đây nhé!
Khi tình yêu chín muồi và dẫn đến quyết định hôn nhân, một trong những vấn đề khiến các cặp đôi – đặc biệt là phái nữ – phải đau đầu, đó là sống chung với mẹ chồng hay ra ở riêng. Các nàng dâu trẻ thường e ngại việc nhiều thế hệ sống cùng một mái nhà dễ nảy sinh mâu thuẫn, đồng thời hay lo lắng, sợ mẹ chồng xét nét, sợ phải giữ ý… nên chính bản thân tâm lý này đã khiến không ít cặp vợ chồng cãi vã, bất đồng quan điểm.
Về bản chất, sống chung với mẹ chồng, hay ở riêng đều có ưu và nhược điểm nhất định.
Việc ở riêng có những điểm cộng không thể bỏ qua. Như các cụ đã nói, “xa thơm gần thối”, hai vợ chồng ra ở riêng sẽ giảm sức ép tâm lý “đối nhân xử thế” cho cả hai, đặc biệt là cho nàng dâu mới, khiến không khí gia đình tự do, thoải mái hơn, tình cảm mẹ chồng – nàng dâu cũng ít có nguy cơ bị sứt mẻ, đôi bên dễ thuận hoà hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để ra ở riêng, vì nó đòi hỏi rất nhiều trách nhiệm, nỗ lực và cố gắng từ cả hai vợ chồng để cùng chia sẻ công việc nhà và tính toán các khoản chi phí hàng tháng. Nhất là khi có em bé, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như bạn nghĩ… Không ít cặp đôi gặp phải mâu thuẫn khi ở riêng, và những mâu thuẫn này đều bắt nguồn từ những bất cập rất nhỏ nhặt trong việc chăm sóc nhà cửa. Có thể bạn chưa biết, nhưng tỉ lệ cặp đôi ở riêng và không hài lòng về cách sống của nhau lên tới 51%.
Sống chung với mẹ chồng thì cũng có không ít những mặt trái, đòi hỏi các nàng dâu phải “biết điều” giữ gìn lời ăn tiếng nói, cư xử khéo léo, ý tứ, nhún nhường để giữ hoà khí gia đình. Nếu mỗi người biết “vì nhau” một chút thì chuyện này không khó, song nhiều cô dâu trẻ lại coi đây là nỗi khổ. Sự thật là nhiều gia đình đã đứng trước nguy cơ tan vỡ mà nguyên nhân không xuất phát từ hai vợ chồng mà do áp lực sống chung với mẹ chồng. Và trong nhiều trường hợp, người chồng phải thật sự bản lĩnh và biết cách cân bằng để dàn xếp mọi việc ổn thoả, vừa hiếu kính với bố mẹ đồng thời vừa xoa dịu được vợ.
Nhưng nhìn từ một góc độ khác, sống chung với mẹ chồng có thật sự là địa ngục? Sẽ có rất nhiều lợi ích khi về chung một nhà mà các nàng dâu nên xét tới.
Thứ nhất, ở chung sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí sinh hoạt một cách đáng kể. Khác với việc ở riêng phải “khéo co cho ấm”, khi sống chung với mẹ chồng, hai vợ chồng sẽ cắt giảm được một số chi tiêu nhất định, chỉ cần tính toán đưa cho ông bà một món đủ chi là ổn. Thậm chí nhiều gia đình, bố mẹ chồng còn không nhận tiền của cả hai vợ chồng và để dành cho các con lập nghiệp.
Thứ hai, khi sống chung với mẹ chồng, các cặp đôi sẽ không phải tốn quá nhiều công sức chăm lo cho tổ ấm. Những chuyện tưởng nhỏ như giặt quần áo, lau nhà, tưới cây, rửa bát… cũng có thể trở thành lí do để người này “ngứa mắt” người kia nếu hai bạn ở riêng. Thế nhưng nếu ở chung, ít nhất sẽ vẫn có bàn tay chăm sóc ngôi nhà khi vợ chồng đi vắng.
Thêm một lí do nên sống chung với mẹ chồng, đặc biệt là khi hai bạn đã có em bé, đó là con cái sẽ được ông bà chăm nom, đưa đón học hành, bảo ban đỡ đần. Bạn sẽ bớt được nỗi lo phải sắp xếp thời gian đưa đón con, hay nhiều khi quá bận bịu không kịp cho con ăn… Có bàn tay của bố mẹ chồng, việc nuôi dạy trẻ và phát triển tình cảm gia đình nói chung, cũng như tình cảm vợ chồng nói riêng, hẳn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Vậy bí kíp để sống chung với mẹ chồng một cách thuận hoà êm ấm là gì?
Thiết lập ranh giới
Lời khuyên cho các nàng dâu, là hãy thống nhất quan điểm trước khi chuyển đến sống chung với mẹ chồng. Hãy báo lại khung giờ đi làm của bạn, việc bạn có thể nấu nướng những bữa ăn nào trong ngày, đóng góp những khoản chi phí nào hàng tháng. Các vấn đề liên quan đến chăm sóc trẻ nhỏ cũng rất cần được trao đổi thẳng thắn với ông bà. Hãy lắng nghe mong muốn của bố mẹ chồng và trò chuyện cởi mở để hạn chế những bất đồng về sau.
Dành thời gian riêng tư cho nửa kia
Một trong những cách để biến việc sống chung với mẹ chồng không còn là sự ngột ngạt căng thẳng, đó là dành thời gian quan tâm đến nửa kia của mình. Hãy lắng nghe xem chồng và vợ mong muốn gì, có điều gì chưa hài lòng, và cùng nhau chia sẻ động viên để vượt qua những khó khăn. Điều quan trọng là phải giữ được tình yêu của cả hai luôn nguyên vẹn khi phải sống chung với đại gia đình lớn. Hãy định ra những tối hẹn hò, hoặc đề nghị bố mẹ cho tất cả mọi người có một tối tự do trong tuần ở nơi riêng tư của mình, đảm bảo không có sự phá ngang.
Đứng ngoài những tranh cãi gia đình
Các cụ đã dạy, “một sự nhịn là chín sự lành”, nhất là khi sống chung với mẹ chồng, thì tốt nhất hãy giữ cho mình tránh khỏi những cãi vã trong gia đình. Nếu có bất đồng với mẹ chồng, hãy bình tĩnh tìm cách xử lí phải phép nhất, và hãy cố gắng đứng ngoài mọi xung đột giữa chồng và mẹ chồng, bởi nếu bạn nỗ lực can thiệp, sự tình có thể trở nên phức tạp, và bất kể phía nào “giận cá chém thớt” cũng sẽ khiến bạn bị liên luỵ và tổn thương.
Thường xuyên có “cuộc họp gia đình”
Một điều không thể bỏ qua nữa là xây dựng những cuộc đối thoại mở với tất cả mọi người đang sống chung dưới một mái nhà. Các cuộc họp gia đình hàng tháng sẽ giúp từng thành viên trong gia đình có thể quan tâm, hiểu nhau hơn và cũng là cơ hội để mọi người cùng nhau tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại.
Suy cho cùng, tiên trách kỉ hậu trách nhân, cuộc sống có ấm êm hay không, một phần lớn cũng là do bản thân mỗi người. Vì vậy chớ vội kết luận sống chung với mẹ chồng là khổ, là không tốt, hãy làm chủ hạnh phúc của mình từ thuở tìm người yêu, chọn lựa hẹn hò đúng người, tìm hiểu thật kỹ và cư xử thật khéo léo, bạn nhé! Nếu chưa tìm được người ấy, ngại gì không cho mình thêm một cơ hội với Ymeet.me nhỉ!
Đăng ký miễn phí: TẠI ĐÂY! ( Hoặc click nút đăng ký bên dưới!)
Hoặc TẢI APP: Android hoặc iOS!